Hướng dẫn cách gói bánh chưng ngày Tết Cổ Truyền 2019
Bánh chưng là món ăn cổ truyền không thể thiếu trong dịp lễ tết. Dù cho gia đình bạn có mâm cao cỗ đầy hay chỉ giản đơn, mộc mạc đều không thể thiếu được chiếc bánh chưng xanh truyền thống mang hương vị của dân tộc.
Cứ mỗi độ tết đến xuân sang, con cháu trong nhà lại xum họp, cùng nhau vui vẻ gói những chiếc bánh chưng xanh bày lên bàn thờ cúng tổ tiên. Thường thường, gói bánh chưng là công việc của người ông, người chồng, người cha, những trụ cột trong gia đình đảm nhận bởi nó mang ý nghĩa thiêng liêng và cũng bởi sự khỏe khoắn trong đôi tay của người đàn ông có thể điều khiển, chế ngự giúp tất cả vào một khuôn bánh đẹp mắt.
Bánh chưng xanh là biểu tượng của nét văn hóa truyền thống nhưng không phải bất cứ ai cũng biết gói. Khi gói bánh chưng, người lớn tuổi trong gia đình thường cho con cháu ngồi xem và chỉ dạy cách gói từng chút một để những năm sau có người kế tục gói bánh. Để có được một chiếc bánh chưng thơm ngon bên trong, đẹp mắt bên ngoài phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người gói.
Tóm tắt nội dung
Nguyên liệu để gói bánh chưng ngày tết
– Lá dong: Lá dong chọn lá dong rừng bánh tẻ, to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Tuy nhiên, tùy theo địa phương, dân tộc, điều kiện và hoàn cảnh, lá gói bánh có thể là lá chít (một loại tre), lá chuối hay thậm chí cả lá bàng , giấy bạc.
– Lạt buộc bánh: Bánh chưng thường dùng lạt giang được chẻ từ ống cây giang (Hay là từ cây Mai). Lạt được ngâm nước muối hay hấp cho mềm trước khi gói.
⇒ Xem thêm: Cách gói BÁNH TÉT ngon, dẻo, xanh đẹp mắt
– Gạo nếp: Gạo nếp thường dùng gạo thu hoạch vụ mùa. Gạo vụ này có hạt to, tròn, dẻo đều và mới thu hoạch sẽ thơm dẻo hơn các vụ khác. Nhiều người chọn nếp cái hoa vàng hay nếp nương, thực ra không đến nỗi cầu kỳ như thế vì đây là loại bánh mang tính đại chúng.
– Đỗ xanh: Đỗ thường được lựa chọn công phu, tốt nhất là loại đỗ trồng ở vùng đồi trung du Việt Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ v.v. sẽ thơm và bở hơn). Sau thu hoạch đỗ cần phơi nắng đều thật khô, sàng sẩy hết rác, bụi, hạt lép, phân loại hạt rồi đóng vào hũ, lọ bằng sành là tốt nhất
– Thịt: Thường là thịt lợn, chọn lợn ỉ được nuôi hoàn toàn bằng phương pháp thủ công (nuôi chuồng hoặc nuôi thả, thức ăn bằng cám rau tự nhiên không dùng thuốc tăng trọng hoặc thức ăn gia súc). Thịt ba chỉ (ba dọi) với sự kết hợp của mỡ và nạc cho nhân bánh vị béo đậm đà, không khô bã như các loại thịt mông, thịt nạc thăn. Một số nơi, như tại Trường Sa, những người lính còn làm món bánh chưng với nhân độc nhất vô nhị là dùng thịt chó hay thịt gà.
– Gia vị các loại: Hạt tiêu, hành củ dùng để ướp thịt làm nhân. Muối dùng để trộn vào gạo, đỗ xanh và ướp thịt. Đặc biệt thịt ướp không nên dùng nước mắm vì bánh sẽ chóng bị ôi, thiu. Ngoài ra một số loại gia vị khác ít phổ biến hơn cũng được sử dụng như thảo quả, tinh dầu cà cuống thường sử dụng tẩm ướp trong nhân bánh tại Hà Nội xưa, tuy nay ít nơi còn cầu kỳ gia thêm loại gia vị này.
– Phụ gia tạo màu: Bánh chưng với màu xanh của nếp được tạo thành bằng cách quay mặt trên của lá dong, lá chuối (mặt có màu xanh thẫm) vào trong, áp với bề mặt của gạo nếp. Một số nơi còn sử dụng các phụ gia khác như lá dứa hay lá giềng xay nhuyễn vắt lấy nước trộn gạo vừa tạo hương thơm vừa tạo cho bánh có màu xanh ngọc.
Chuẩn bị trước khi tiến hành gói bánh chưng
– Lá dong: Rửa từng lá thật sạch hai mặt và lau thật khô. Rửa càng sạch bánh càng đỡ bị mốc về sau. Trước khi gói lá dong được người gói bánh dùng dao bài mài thật sắc (loại dao nhỏ chuyên dùng để gọt) cắt lột bỏ bớt cuộng dọc sống lưng lá để lá bớt cứng, để ráo nước (nếu lá quá giòn có thể hấp một chút để lá mềm dễ gói).
– Gạo nếp: Nhặt loại bỏ hết những hạt gạo khác lẫn vào, vo sạch, ngâm gạo ngập trong nước cùng 0,3% muối trong thời gian khoảng 12-14 giờ tùy loại gạo và tùy thời tiết, sau đó vớt ra để ráo. Có thể xóc với muối sau khi ngâm gạo thay vì ngâm nước muối.
⇒ Xem thêm: Cách làm giò lụa (giò nạc), giò bò, giò xào ngon cho ngày Tết cổ truyền
– Đỗ xanh: Đỗ làm dập vỡ thành các mảnh nhỏ, ngâm nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo. Nhiều nơi dùng đỗ hạt đã đãi vỏ trong khi những nơi khác cho vào chõ đồ chín, mang ra dùng đũa cả đánh thật tơi đều mịn và sau đó chia ra theo từng nắm, mỗi chiếc bánh chưng được gói với hai nắm đậu xanh nhỏ. Cũng có một số nơi nhét sẵn thịt lợn vào giữa nắm đỗ.
– Thịt lợn: Thái thành miếng to bản và dài, tẩm ướp chút muối, hạt tiêu bột (tốt nhất là hạt tiêu đã được rang thơm, tán nhỏ), hành củ, không dùng nước mắm khi ướp.
– Lạt: lạt chẻ thật mỏng dùng để buộc bánh
Hướng dẫn cách gói bánh chưng ngày tết
– Tùy theo bánh to hay nhỏ và lá dong to hay nhỏ mà sử dụng 4 hay 5 lá để gói. Cứ theo nguyên tắc là 2 lá ngang, 2 lá dọc và 1 lá ngang cho bánh to và lá vừa. Hoặc 2 lá ngang, 1 lá dọc, 1 lá ngang cho bánh vừa và lá to. Màu đậm của lá quay vào trong và màu nhạt quay ra ngoài. Xếp lá như trên : 2 ngang- 2 dọc – 1 ngang. Chú ý là đổi đầu lá , vd: 2 lá ngang thì 1 lá giữ nguyên lá kia quay đầu lại, sao cho 2 lá có 1 đầu lớn và 1 đầu bé.
– Cho 1 bát nếp vào giữa lá trên cùng
– Tiếp theo là đậu xanh và thịt. Nhiều hay ít là tùy theo ý thích mỗi người. Nhưng nếu lần đầu gói bằng tay thì nên gói bánh nhỏ với nếp, đậu vừa phải khi đã quen tay bẻ lá và buộc lạt thì gói bánh lớn như vậy bánh sẽ đẹp hơn.
– Sau đó lại 1 lớp đậu xanh và 1 lớp nếp trên cùng
– Dùng tay đậy mép lá dư lên bánh, nắn cho bánh bằng mặt chút xíu
– Sau đó, đến 2 lá dọc. Gói bánh cho gọn lại
– Rồi đến 2 lá ngang
– 1 tay giữ bánh, tay kia luồn lạt xuống và buộc lạt lại, đừng siết chặt quá bánh sẽ ko đẹp
⇒ Xem thêm: TAI HEO NGÂM DẤM chua ngọt, món ngon không thể thiếu ngày Tết
– Buộc 2 lạt ngang cho 1 bánh
– Bẻ lá dư của 1 đầu bánh vào. Xếp hai bên rồi xếp phần nhọn vào. Xếp khéo, cho bánh được vuông cạnh
– Dựng đứng bánh lên và xếp đầu còn lại
– Buộc 2 sợi lạt vào dọc thân bánh là xong. Bạn nhìn xem, vuông đẹp chẳng kém gì gói bằng khuôn đâu nhé mà còn giữ được vẻ mềm mại, tự nhiên mà bánh gói khuôn không có được. Ngày tết cả nhà quây quần tự tay gói từng chiếc bánh sẽ có không khí và cảm giác đầm ấm, hạnh phúc hơn rất nhiều đúng không ah.
Cách luộc bánh chưng xanh, bánh chín rền rất ngon
– Cho lá dong thừa, cuống lá, sống lá đã tước ở trên vào đáy nồi để lót tránh cho bánh bị cháy và tăng thêm hương vị của mùi lá dong.
– Xếp bánh lần lượt vào nồi. Nên xếp dựng đứng bánh để bánh không đè lên nhau. Đổ nước ngập bánh rồi cho lên bếp lò hoặc bếp củi ninh.
– Cứ khoảng 1 tiếng bạn lại kiểm tra xem nước có bị cạn không, nếu cạn cần chế thêm nước vào.
– Ninh nồi bánh trên bếp củi khoảng 10-12h bánh sẽ chín nhừ, rền, không bao giờ lo lại gạo nếu để lâu.
– Bạn có thể luộc nhanh, ít thời gian hơn, bánh vẫn chín nhưng sẽ không có độ rền, để lâu hay bị lại gạo.
– Luộc bánh chưng bằng bếp củi là ngon nhất, đúng theo cách truyền thống.
– Sau khi bánh chín, vớt bánh ra, rửa qua bánh bằng nước lạnh để loại bỏ nhớt bám trên lá, như thế bánh sẽ lâu bị thiu hơn
⇒ Xem thêm: Cách muối dưa hành ngày Tết ngon, chua, giòn, để lâu không bị váng
– Xếp bánh chồng lên nhau rồi dùng vật nặng như thớt gỗ, thau nước to, đè lên bánh để nén bánh, ép các nước dưa thừa còn đọng lại ra, giúp bánh dẹt lại, nén chặt vào nhau, sẽ ngon hơn, để được lâu hơn.